HỌC SINH TRƯỜNG DỰ BỊ ĐẠI HỌC TP.HCM KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN, NỖ LỰC HỌC TẬP TRỰC TUYẾN

Dịch bệnh Covid-19 đã dẫn đến một kỳ nghỉ dài đối với học sinh, sinh viên trên cả nước và hơn 550 học sinh dân tộc thiểu số, lưu học sinh Trường Dự bị Đại học TP. Hồ Chí Minh. Với phương châm “tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học”, Nhà trường đã triển khai hình thức dạy học trực tuyến. Nhằm ghi nhận sự nỗ lực học tập và vượt qua khó khăn của học sinh, Đoàn Trường đã tổ chức cuộc thi ảnh “Khoảnh khắc học trực tuyến”.

Cuộc thi đã thu hút 12/12 chi đoàn tham gia với 58 ảnh dự thi. Mỗi tấm ảnh ghi lại một cách chân thực, sinh động khung cảnh học trực tuyến của đoàn viên, thanh niên nhiều dân tộc khác nhau từ nhiều vùng miền kèm theo những dòng chia sẻ chân thành về những khó khăn, bỡ ngỡ, cảm xúc của các bạn.

Đối với đoàn viên, thanh niên sinh sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, việc hạn chế về mức độ phủ sóng của mạng internet là điều dễ hiểu. Thiết bị điện thoại không đủ chức năng để học trực tuyến, sóng 3G, 4G có tín hiệu kém, chập chờn, đang kết nối thì bị ngắt, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng giờ học. Vượt qua trở ngại, các bạn đã tìm mọi cách khắc phục, cố gắng kết nối với thầy cô qua những giờ học trực tuyến.

Bạn Rah Lan H’ Ai Len – Chi đoàn K30B3

Bạn Rah Lan H’ Ai Len – học sinh người dân tộc Jrai quê ở Gia Lai, hằng ngày phải đi bộ băng qua rẫy cà phê, rẫy tiêu của dân làng đến đồi cao su để bắt được sóng internet. Em chia sẻ: “…Mỗi buổi sáng, em cùng những chiếc gùi trên lưng, bỏ sách, vở, bút, thước kẻ lên đồi cao su để học do nhà ở tít vùng sâu, không bắt được sóng internet. Tuy vất vả nhưng vì con chữ, vì tương lai và có bố mẹ bên cạnh động viên nên em có nguồn động lực lớn và không nản lòng”.

Bạn Ka Hậu – học sinh người dân tộc Cơ-ho chi đoàn K30B1 cũng chia sẻ: “Học trực tuyến là việc làm cần thiết trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Nhưng việc học này cũng gặp không ít khó khăn, nhất là đối với những bạn vùng sóng yếu, mạng di động chập chờn. Có lúc đang học bình thường thì bị “văng ra”, không nghe được giáo viên hỏi gì. Rồi lắm lúc mưa gió cúp điện là không được nghe giảng”.

Bạn Ka Hậu – Chi đoàn K30B1

Đối với bạn Ức Thị Thu Hà – học sinh dân tộc Chăm đến từ Bình Thuận, việc học trực tuyến đối với bạn cũng rất khó khăn vì mỗi ngày “phải đi qua các đám thanh long để bắt mạng ké nhà hàng xóm”.

Ngoài ra nhiều bạn có hoàn cảnh khó khăn, trong những ngày nghỉ học ở trường, còn phải phụ giúp gia đình trong giờ  học trực tuyến. Có bạn vừa gặt lúa vừa canh cho kịp giờ học bài, vừa giúp gia đình chăn trâu vừa miệt mài với bài giảng của thầy cô, hay có bạn vừa phụ mẹ dọn hàng cho kịp phiên chợ sáng vừa ôm quyển sách chăm chú nghe tiếng giảng bài từ điện thoại. Những khoảnh khắc ấy khiến cho nhiều người cảm động và khâm phục tinh thần vượt khó vươn lên trong học tập  của các bạn .

Theo bạn Danh Tiến Thành – Bí thư chi đoàn K30B3, học sinh người dân tộc Khmer: “Một trong những khó khăn khi học online chắc hẳn ai cũng vấp phải đó là việc cân bằng giữa việc nhà và việc học. Có bạn thì vừa học vừa quét nhà. Có bạn thì vừa cho bò ăn vừa học. Cũng có bạn tranh thủ xíu ít thời gian để nấu cơm phụ gia đình… Nhưng dù có khó khăn đến đâu cũng không khiến các bạn chùn bước”.

Bạn Nguyễn Thị Giang – học sinh hệ 30a chi đoàn K30A1 chia sẻ: “Vì hoàn cảnh gia đình ít sức lao động, em phải vừa học trực tuyến vừa đi làm phụ giúp gia đình. Tuy hơi vất vả và thiếu thốn điều kiện học tập nhưng với em, việc vừa đi làm vừa tranh thủ học là một điều rất thú vị và đáng nhớ!”

Bạn Nguyễn Thị Giang – Chi đoàn K30A1

Dưới góc độ là lưu học sinh Lào đang học tiếng Việt tại Trường, việc học trực tuyến theo bạn Khamsavath Bounmy lớp TV5 càng khó khăn hơn: “Chúng em phải cố gắng gấp hai, gấp ba so với học ở trường. Tuy nhiên, chúng em luôn động viên nhau học tốt để cố gắng cùng Nhà trường, đạt mục tiêu đề ra và xứng đáng là một thanh niên tốt”.

Bạn Khamsavath Bounmy – Lưu học sinh Lào

Cuộc thi ảnh “Khoảnh khắc học trực tuyến” thực sự là một hoạt động phong trào mới mẻ, các hình ảnh dự thi sống động và những dòng chia sẻ chân thành của học sinh đã giúp mọi người có cái nhìn đầy đủ từ nhiều góc độ về các khó khăn và trở ngại trong việc học trực tuyến. Qua đó giúp Nhà trường nắm bắt thông tin và có các giải pháp kịp thời nhằm giúp đỡ, động viên và hỗ trợ học sinh khó khăn. Đây sẽ là một năm học đáng nhớ bởi khi nhắc đến ai cũng tự hào vì đã nỗ lực vượt qua khó khăn, vượt qua đại dịch Covid-19.

 Bài viết: Nguyễn Tuấn Lộc – Nguyễn Thế Trường

Print Friendly, PDF & Email

Comments are closed.