“Xây dựng và phát triển văn hóa dân tộc cho học sinh, sinh viên trong giai đoạn hiện nay”
Đoàn viên, thanh niên là lực lượng lao động đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong mọi mặt của đời xã hội ở nước ta. Hiện nay, đoàn viên, thanh niên có bước trưởng thành to lớn, hăng hái học tập, lao động, xung kích, đảm nhận những việc khó, những lĩnh vực mới, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội. Bên cạnh đó, đoàn viên, thanh niên còn đang phải đối mặt với rất nhiều những thách thức như sự lôi kéo của các thế lực thù địch, mặt trái của cơ chế thị trường, tác động của xu thế toàn cầu hóa. Do vậy, một bộ phận không nhỏ thanh niên có lối sống lệch chuẩn, trái với những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc như: lối sống ích kỷ, thực dụng, vô cảm trước xã hội, thích hưởng thụ, lười học tập và phấn đấu… Điều này không những làm giảm vai trò của thanh niên trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, còn tạo thêm gánh nặng cho xã hội trong việc giải quyết những hệ quả từ lối sống không đúng với các giá trị chuẩn mực xã hội của một bộ phận thanh niên này gây ra.
Để thấy được tầm quan trọng trong việc xây dựng lối sống có văn hóa cho đoàn viên, thanh niên là học sinh, sinh viên, trước hết cần phải hiểu đúng thế nào là lối sống có văn hóa. Do có những quan niệm và cách tiếp cận khác nhau trong nghiên cứu về thanh niên và văn hóa thanh niên nên cách tiếp cận, nhận diện và phân tích về lối sống thanh niên cũng rất khác nhau. Qua đó, nhằm trao đổi về xây dựng, phát triển văn hóa dân tộc trong giai đoạn hiện nay và truyền tải thông điệp giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cho học sinh, sinh viên, Đoàn trường Dự bị Đại học TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Đoàn trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP. Hồ Chí Minh tổ chức buổi báo cáo chuyên đề “Xây dựng và phát triển văn hóa dân tộc cho học sinh, sinh viên trong giai đoạn hiện nay” vào tối ngày 7/4/2023 (thứ Bảy) tại Nhà Đa năng Hoàng Sa với sự tham gia của hơn 300 đoàn viên, thanh niên.
Tham gia chương trình, TS. Nguyễn Thị Toàn Thắng – Trưởng Bộ môn Công tác xã hội, Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh đã có những chia sẻ sâu sắc về dân tộc, văn hóa, văn hóa dân tộc và vai trò của đoàn, viên thanh niên trong xây dựng và phát huy văn hóa dân tộc giai đoạn hiện nay.
Cho đến nay, khái niệm dân tộc được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau, trong đó có hai nghĩa được dùng phổ biến nhất: Một là, dân tộc chỉ một cộng đồng người có mối liên hệ chặt chẽ và bền vững, có sinh hoạt kinh tế chung, có ngôn ngữ riêng và những nét văn hóa đặc thù – dân tộc là một bộ phận của quốc gia – quốc gia nhiều dân tộc. Hai là, dân tộc chỉ cộng đồng người ổn định hợp thành nhân dân một nước, có lãnh thổ, quốc gia – dân tộc là toàn bộ nhân dân của quốc gia đó – quốc gia dân tộc.
Bên cạnh đó, hiện không có khái niệm chính xác giải thích văn hóa. Tuy nhiên, có thể thấy, văn hóa được coi là toàn bộ các khía cạnh của cuộc sống xã hội như ngôn ngữ, tiếng nói, tôn giáo, tư tưởng, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh… của dân tộc, đất nước. Nó mang đến giá trị về mặt tinh thần nhằm phục vụ cho nhu cầu và lợi ích của cộng đồng người dân. Theo chủ tịch Hồ Chí Minh “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa.” Quan điểm trên của Bác cho thấy, văn hóa đã ra đời cùng với sự phát triển của lịch sử xã hội loài người; văn hóa là tổng hợp các giá trị vật chất và tinh thần do cá nhân và cộng đồng sáng tạo ra trong quá trình lịch sử, phục vụ sự tồn tại và phát triển của con người.
TS. Nguyễn Thị Toàn Thắng chia sẻ “Bản sắc văn hóa dân tộc là giá trị cốt lõi nhất của nền văn hóa, thể hiện tâm hồn, cốt cách, tình cảm, lý trí, sức mạnh của dân tộc, tạo nên chất keo kết nối các cộng đồng người gắn bó, đoàn kết với nhau để cùng tồn tại và phát triển. Nền văn hóa Việt Nam được kết tinh bởi những giá trị của lòng yêu nước; tinh thần đoàn kết gắn kết cá nhân – gia đình – làng xã – đất nước; giàu lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; cần cù, sáng tạo trong lao động; tinh tế trong ứng xử; giản dị trong lối sống. Chính những giá trị truyền thống văn hóa đó đã kết lại thành nền tảng tinh thần cho sự tồn tại của dân tộc, là một trong những động lực to lớn đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững của quốc gia dân tộc. Bản sắc đó thể hiện ở nhiều mặt, nhiều lĩnh vực, được bao thế hệ vun đắp, hun đúc tạo nên sức sống mãnh liệt giúp cộng đồng các dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách để tồn tại, không ngừng lớn mạnh và phát triển bền vững. Nó là niềm tự hào của mọi người dân Việt Nam, là nguồn sức mạnh vô địch bảo đảm cho dân tộc Việt Nam trường tồn, phát triển trong mọi thời đại”
Qua buổi chia sẻ, TS. Nguyễn Thị Toàn Thắng hy vọng với vai trò của văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, đồng thời là mục tiêu của sự phát triển. Do đó, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh và động lực phát triển, các bạn đoàn viên, thanh niên cần phải giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, tiếng nói, chữ viết và truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình. Mỗi đoàn viên, thanh niên nên có nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò văn hóa của mình để từ đó tôn trọng, giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp. Đồng thời, xóa bỏ những biểu hiện sai lệch chuẩn mực giá trị về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống. Song song đó, các bạn đoàn viên, thanh niên cố gắng học tập nâng cao kiến thức làm nền tảng cho việc sáng tạo ra những nét văn hóa mới phù hợp với tình hình toàn cầu hóa như hiện nay.
Những giá trị tinh hoa văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc được xây dựng và ghi nhận bởi những chiến công hy sinh thầm lặng của biết bao thế hệ người dân Việt Nam. Nó là kết tinh những gì là tinh túy nhất của dân tộc để rồi chính những giá trị đó lại lung linh tỏa sáng, soi sáng con đường chúng ta đi. Không chỉ bây giờ mà mãi mãi về sau những giá trị tinh hoa văn hóa của dân tộc sẽ là hành trang, động lực để cho thanh niên Việt Nam chúng ta tiến vào kỷ nguyên mới tô thắm nên truyền thống ngàn năm văn hiến của dân tộc.
Tin bài: Nguyễn Văn Toàn