Trước tình hình dịch tả lợn Châu Phi đang lan nhanh tại nước ta, Phòng Công tác học sinh – sinh viên trích nguồn từ báo laodong.vn ngày 06/03/2019 trả lời câu hỏi: “Ăn thịt lợn mắc dịch tả Châu Phi có sao không?” Rất mong quý thầy/cô, cán bộ viên chức và các em học sinh – sinh viên đọc tham khảo và lựa chọn nguồn thực phẩm và chế biến an toàn để bảo vệ sức khỏe của bản thân và người thân trong gia đình.
Bệnh dịch tả lợn Châu Phi được khẳng định là không gây bệnh cho người nhưng người dân vẫn cần lựa chọn đúng thịt lợn sạch, không bị bệnh và cần chế biến kỹ.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh tả lợn Châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi-rút African swine fever virus (ASFV) gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn, ở tất cả các loại lợn với tỉ lệ lợn chết cao, lên đến 100%. Bệnh lây truyền qua các đàn lợn thông qua việc tiếp xúc với máu, dịch nhầy của lợn bệnh. Trong năm 2018, nhiều nước thuộc Châu Phi, Châu Âu và Châu Á đã ghi nhận các vụ dịch bệnh tả lợn Châu Phi ở các đàn lợn.
Tại Việt Nam, ngày 19/02, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đã chính thức thông báo ghi nhận ổ dịch tả lợn Châu Phi tại một số hộ chăn nuôi thuộc tỉnh Hưng Yên và Thái Bình. Dịch bệnh tả lợn Châu Phi đã xâm nhập vào nước ta và có nguy cơ lây lan trên các đàn lợn nếu không thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch.
PGS.TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) – khẳng định: Do dịch bệnh có những tác động rất lớn đối với các đàn lợn và kinh tế người dân nên cần triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn chặn và kiểm soát sớm dịch bệnh trên các đàn lợn. Tuy nhiên, dịch bệnh này không gây bệnh trên người do đó, người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang tẩy chay tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh.
Virus tả lợn Châu Phi sống được rất lâu ở môi trường bình thường. Virus có thể tồn tại trong tiết, dịch tiết, trong xác động vật, trong thịt và các sản phẩm từ thịt chưa nấu chín trong 3-6 tháng, sống được trong máu khô 70 ngày…
Tuy nhiên virus này chịu nhiệt kém. Theo nghiên cứu của tạp chí Vi sinh học Thú y (Veterinary Microbiology – Thụy Sĩ), virus này tồn tại được 3 giờ khi nấu ở nhiệt độ 50 độ C, 20 phút trong nhiệt độ 60 độ C, 2 phút trong nhiệt độ 90 độ C và bị tiêu diệt dưới 1 phút khi đun sôi ở 100 độ C.
Dù lợn bị nhiễm bệnh tả Châu Phi không có khả năng lây sang người, song các chuyên gia thú y cảnh báo khi lợn bị tả, sức đề kháng kém đi nên rất dễ mắc thêm những loại bệnh lây nhiễm nguy hiểm khác như bệnh tai xanh, cúm, thương hàn, liên cầu lợn, lở mồm long móng…
Đặc biệt, với bệnh liên cầu khuẩn lợn, vi khuẩn tồn tại trong miệng, mũi, họng dễ lây sang người khi tiếp xúc trực tiếp qua các vết thương, vết trầy xước, qua các món ăn tái sống, tiết canh. Khi nhiễm những vi khuẩn liên cầu, bệnh nhân có nguy cơ cao bị nhiễm độc tiêu hoá, nhiễm trùng máu, viêm não, viêm màng não, suy đa tạng…
Do đó, người tiêu dùng cần mua sản phẩm từ lợn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và phải nấu chín kỹ trước khi dùng, tránh ăn các sản phẩm như nem sống, nem chua, gỏi, tiết canh…
Nguồn: Báo laodong.vn ngày 6/3/2019